1. Cách luộc Gà ngon:
Ðể luộc gà không bị nứt da, khi luộc, cho gà vào nước còn lạnh và bắc lên bếp, sau đó luộc với ngọn lửa đủ để nước sôi “tim”, kéo thời gian luộc dài bình thường. Sau đó vớt gà ra và ngâm ngay vào nước lạnh để giữ da có màu vàng óng và căng, giòn. Khi gà nguội hẳn, vớt ra rổ để ráo nước, dùng mỡ gà ngấm vào, gà luộc sẽ căng bóng trông rất ngon.
* Bí quyết để luộc gà ngon:
Trong những ngày nghỉ cuối tuần, các bà nội trợ muốn chiêu đãi gia đình, những người thân món gà luộc là một món ăn phổ biến, dễ làm và khá ngon, tương đối thích hợp với túi tiền của các gia đình. Nhưng làm thế nào để chế biến gà được ngon và đẹp mắt? Nếu luộc kỹ để thịt bên trong thật chín thì lớp da và thịt bên ngoài bị nhừ; còn nếu giữ được lớp da ngoài còn độ dai, giòn thì lớp thịt và xương chặt ra còn màu đỏ.
Ðể khắc phục tình trạng này, khi luộc gà, bạn nên cho gà vào lúc nước còn nguội để da gà không bị nứt vỡ. Sau đó luộc gà trong nước sôi tim (sôi lăn tăn không sủi sóng lên). Luộc một con gà nhanh nhất khoảng 20 phút (trung bình là 30 phút), nhưng để luộc gà chín đều, da vàng óng phải mất khoảng 45-60 phút (để lửa nhỏ).
- Trong trường hợp gà mới lấy ở tủ lạnh ra, thời gian luộc phải tăng lên gấp đôi so với bình thường.
Ðể tạo cho gà có màu vàng óng, trông ngon mắt, tránh tình trạng gà khi luộc xong da bị sậm, xỉn màu thì khi gà vừa chín tới, bạn cần vớt gà ra khỏi nước sôi và ngâm ngay con gà còn đang nóng hổi vào thau nước sạch, nước lạnh càng tốt. Ngâm đến khi nào thịt gà nguội hẳn mới nhấc gà ra để giữ màu da không bị sậm xuống. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng mỡ da đã thắng quét một lớp lên da, da sẽ có màu vàng bóng và căng mượt, trông con gà rất hấp dẫn.
2. Cách nấu mực ngon, không dai:
Mực là loại hải sản dễ chế biến, có thể chiên, xào, nướng, nấu canh… trong bữa ăn hàng ngày hoặc dùng làm món đãi tiệc. Sau đây là một số bí quyết khi chế biến món mực.
* Cách ướp mực và cách nướng:
Khi ướp mực, nên cắt mực thành lát mỏng và khứa nhẹ thành ô ca rô trên bề mặt để khi ướp, gia vị dễ thấm hơn.
Món mực tươi nướng đang được nhiều người ưa thích là mực satế. Cách ướp cũng đơn giản như ướp gà hay cá, là làm sạch mực, cắt miếng và khía bề mặt, sau đó cho satế ớt, một chút muối, một chút bột ngọt, một chút nước tương và để khoảng 15 phút rồi hãy nướng. Cũng có thể ướp gia vị xong và cho vào tủ lạnh khoảng 30 phút trước khi nướng, gia vị sẽ thấm nhiều hơn.
Mực nướng rất mau chín, chỉ cần khô bề mặt là thịt đã chín rồi, nhưng tùy khẩu vị thích dai có thể để nướng lâu hơn, đến khi se vàng bề mặt.
* Chọn loại mực phù hợp với món ăn:
Mực nang dày vỏ và mập tròn,da cứng, chỉ thích hợp làm các món tươi sống như trộn gỏi, nấu lẩu… Mực ống tròn, dài và da mỏng, thường dùng làm khô mực và nhồi thịt là ngon nhất. Mực lá ở giữa hai loại này,ngắn hơn mực ống và dài hơn mực nang, làm các món chiên như mực xốt tỏi, chiên… rất ngon. Tùy vào từng món, khi đi chợ có thể chọn loại khác nhau, chọn đúng loại cho từng món vừa dễ chế biến và ăn cũng ngon hơn.
* Chiên mực thường hay bị dai, vậy để thời gian bao lâu thì vừa?
Mực rất mau chín, dù chiên hay nấu thì cũng không nên để lâu làm mực dai, ăn mất vị ngon ngọt. Mực chiên trong dầu khoảng 5 phút là đủ chín. Mực ăn ngon nhất là nhúng qua nước sôi (ăn lẩu sống) vừa chín tới, giữ được vị ngọt.
* Có phải mực ướp muối sẽ bị cứng, ăn không ngon?
Mực ướp muối không bị cứng thịt. Thường thì các loại hải sản như mực khi chế biến không nên ướp nhiều muối vì nó đã có vị mặn, chỉ nên thêm một số gia vị khác như đường, nước mắm chẳng hạn để tạo mùi. Mực chỉ bị cứng, dai thịt khi nấu quá lâu.
3. Mẹo vặt trong bếp
– Nấu cháo: Muốn cháo không bị trào ra ngoài nồi khi sôi, cho vào cháo một ít dầu ăn, mùi vị càng thơm ngon hơn.
– Nấu cơm: Nên đun sôi nước trước khi cho gạo vào vì trong nước máy có chất làm cho hao tổn vitamin B1 trong gạo.
– Luộc mì sợi: Không nên để nước sôi sùng sục mới cho mì vào vì như vậy mì chín không đều. Nên cho mì vào lúc nước bắt đầu nổi bọt lăn tăn, đảo qua vài lần, đậy vung cho tới khi sôi rồi đổ thêm ít nước lạnh, sau khi nước sôi lại thì nhắc xuống.
– Xào thịt, cá: Nên dùng dầu thực vật, vì trong dầu có chất khử mùi tanh, còn xào rau thì nên dùng mỡ heo, rau xào sẽ thơm, ngon và đẹp mắt hơn.
– Nêm muối: Nếu là các loại củ thì nên nêm muối sớm hơn để muối thấm vào, còn nếu là rau thì nêm trước khi nhắc xuống để giữ được các chất dinh dưỡng và rau không bị nhũn.
– Nêm xì dầu: Nếu nêm sớm món xào sẽ có vị chua vì lượng đường trong xì dầu bị phân giải khi gặp nhiệt độ cao, nên nêm xì dầu trư ớc khi nhắc xuống.
– Cách chưng, hấp cá: Ðập một quả trứng và thoa đều lên cá, cá sẽ hấp thụ các chất trong trứng và thức ăn trở nên ngon, bổ hơn.
– Nêm bột ngọt hợp lý: Sau khi đã múc đồ ăn ra tô hoặc đĩa (còn nóng) thì mới nêm bột ngọt, nêm sớm sẽ gây ra chất độc hại cho sức khoẻ. Không nên cho trực tiếp bột ngọt vào thức ăn mà nên hòa tan vào một ít nước xào hoặc nước canh rồi mới trộn chung vào.
– Cách nêm các gia vị: Theo nguyên tắc loại nào lâu thấm thì nêm trư ớc. Ví dụ như phải nêm muối và đường thì đường nêm trước rồi mới tới muối, sau đó là giấm, xì dầu, nước mắm, cuối cùng là bột ngọt. Các gia vị có mùi hư ơng đặc trưng như xì dầu, nước mắm thời gian nấu càng ngắn càng tốt.
– Dùng nước khi chiên, xào: Khi xào thịt, phải đảo nhanh tay và chế thêm chút nước, thịt sẽ mềm và ngon hơn. Còn khi chiên có thể pha nước vào dầu theo cách: đun sôi 3 phần nước rồi đổ một phần dầu từ từ vào, chờ khi dầu đã nổi hoàn toàn trên mặt nước thì bỏ đồ cần chiên vào.
4. Nấu lẩu canh chua ngon?
Canh chua là món chín rất nhanh, nên dù nấu theo kiểu nấu canh trong bếp hay nấu kiểu lẩu thì chỉ cần đổ nước sôi vào các thứ rau giá, bạc hà, thơm… đã sắp sẵn, sau 5 phút là có thể ăn.
Nấu lẩu canh chua ngon nên mua cá tươi cắt thành từng khứa với độ dày trung bình 1-1,5cm. Nếu cắt khứa lớn quá, cá lâu chín và sẽ làm rau bị nhừ và giảm bớt độ ngọt tự nhiên của cá tươi.
Cá nấu lẩu chỉ cần nước sôi 5-10 phút là chín, ăn vừa ngon. Nấu lẩu canh chua cũng như các món lẩu khác phải nấu nước dùng cho thật ngon. Nước canh chua nấu với đầu cá, xương cá cho vị ngọt và mùi vị cá. Do đó cần có nhiều ớt tươi để át bớt mùi cá và làm canh chua thêm ngon. Sau đó nêm với me tươi, một chút đường cho đằm vị chua, một chút muối và đổ nước này vào trong lẩu đã sắp sẵn các thứ rau nấu canh cùng với cá tươi, trên mặt để một vài lát ớt. Ðó là cách truyền thống; nhiều người hiện nay chuộng kiểu lẩu chua cay như khẩu vị Thái Lan cũng có thể nấu nước dùng với gừng nướng cắt lát, củ sả đập dập và cho một chút ớt satế cho có mùi thơm.
5. Rán cá không dính chảo:
Nếu không có chảo chống dính bạn làm sạch cá và để ráo nước. Trước khi rán, bạn cho cá lăn qua đĩa xì dầu rồi để tiếp cho cá khô ráo. Khi rán để dầu nóng rồi thả cá vào chảo. Làm như vậy cá không tiết ra nước khi tiếp xúc với dầu nóng và không làm cá bị tróc da mà dính chảo.