Kỹ năng từ chối

Admin 08/04

– Từ chối nhận quà từ người khác.
– Từ chối tham gia một công việc nào đó quá sức đối với mình.
– Từ chối khi được mời đi nhậu, dùng ma túy, QHTD, …
– Từ chối cho người khác vay tiền…

Đôi khi không muốn làm mất lòng người khác mà người ta không dám nói lời từ chối. Tuy nhiên nếu có cách từ chối mà không làm người khác mất lòng thì bạn nghĩ sao…?

Kỹ năng từ chối được hiểu như thế nào?

Đó là “nghệ thuật nói không” với những điều người khác đề nghị, nhưng bản thân mình không thích, không muốn, không có khả năng thực hiện, nhưng lại không muốn làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đó.

Từ chối là một quyền lợi chính đáng của một con người và đó cũng là một kỹ năng mà bạn cần phải trang bị cho mình. Bản thân mỗi chúng ta thường có xu hướng làm hài lòng người khác, nhưng đôi khi, chính bản thân chúng ta lại là người hứng chịu những hậu quả, đó là do áp lực, là những sai lầm trong quá trình giải quyết việc mà người khác nhờ vả. Đừng nên tự biến mình thành trung tâm giải quyết những vấn đề rắc rối. Hãy giúp đỡ những người thực sự cần tới sự giúp đỡ của bạn, hay chỉ đồng ý với những lời mời thật sự cần thiết. Đừng vì sỹ diện hay muốn làm hài lòng người khác mà luôn đáp ứng sự nhờ vả hay lời mời của mọi người.

Tại sao lại khó nói “không” đến vậy?

– Đơn giản bởi vì chúng ra không muốn làm người khác thất vọng. Do đó, đôi khi phải làm những việc mà mình không thích.
– Chúng ta sợ sẽ phá vỡ mối quan hệ nào đó và những hệ lụy liên quan nếu nói lời từ chối.
– Nếu từ chối những người thân quen như bạn bè, đồng nghiệp hay cấp trên thì có thể sẽ bị hiểu nhầm hoặc không nể nang gì người đó.
– Chúng ta nghĩ là nói “không” có thể sẽ mất đi những cơ hội trong tương lai, vì vậy chúng ta cứ gật đầu và luôn tỏ ý là mình luôn sẵn lòng giúp đỡ tất cả mọi người. Dù thực tế chúng ta không có thời gian cũng như không thích giúp việc đó hay tham dự một buổi tiệc nào đó.

Những lưu ý trong kỹ năng từ chối

– Từ chối rất khó, nhất là từ chối những người mà bạn yêu mến, kính trọng hay mang ơn họ.
– Kĩ năng từ chối không chỉ là biết “nói không” khi được đề nghị, mà phải làm sao cho người khác không dám hay không có cơ hội đề nghị.
– “Không muốn” và “Không nên” là hai vấn đề khác nhau. Từ chối điều không muốn dễ hơn từ chối điều bạn cũng muốn, cũng thích, nhưng không nên,..

“Không có khuôn mẫu chung cho những người thành công nhưng có một mẫu số chung cho những người thất bại. Đó là luôn muốn làm hài lòng tất cả mọi người”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỪ CHỐI KHÉO

1. Hiểu rõ bản thân

Bạn phải biết mình là ai: Là người cứng rắn hay dễ bị lung lay? Kiên định hay cả nể? Sống có nguyên tắc hay dễ bị lôi kéo?. Bạn cần hiểu rõ khả năng của mình cũng như việc đáp ứng của mình về những yêu cầu hay nhờ vả của người khác. Sau đó đưa ra câu trả lời chính xác và chắc chắn về điều đó.

2. Tỏ thái độ lịch sự

Nếu bạn không muốn làm điều đó, hay không đủ thời gian để chấp nhận lời yêu cầu, hãy đưa ra một câu trả lời ngắn gọn nhưng lịch sự và nhã nhặn. Tuyệt đối không nên tỏ ra khó chịu hay thô lỗ.
Đừng nói “không” khi ngay khi người ta vừa cất lời. Hãy nói mềm mỏng hơn rằng:”Tôi biết la…”, “Tôi không thể vì…”. Cũng đừng bao giờ phê phán và miệt thị hay dạy dỗ người khác.

3. Đừng cảm thấy mình là người có lỗi

Nên nhớ là họ đang cần bạn, cần sự giúp đỡ của bạn và đương nhiên là bạn có quyền từ chối. Việc của đối phương là chấp nhận quyền quyết định của bạn. Có thể người đó sẽ không vui và tỏ ra khó chịu khi bạn nói”không”. Lúc đó bạn hãy cố gắng giữ được bình tĩnh và giữ vững lập trường của mình, đừng vì cả nể mà khiến bạn phải hối hận.

4. Giải thích rõ ràng

Bạn có quyền từ chối mà không cần phải giải thích gì nhiều. Bạn có lý do để từ chối mà không nhất thiết phải nói ra. Nhưng theo cá nhân tôi, khi từ chối thì cũng nên có lý do để tránh những hiểu lầm sau này:

– Có quá nhiều việc cần phải làm: Nếu bạn đã có quá nhiều việc với công việc hiện tại của bạn và không có thời gian để đảm đương thêm nhiệm vụ mới thì hãy nói lịch sự rằng lịch của bạn đã kín và rất tiếc bạn không thể giúp đỡ được.

– Giờ chưa phải thời điểm thích hợp: Đôi khi những việc người khác nhờ bạn muốn giúp nhưng thời gian lại không thích hợp. Vậy bạn nên nói rõ ràng bạn muốn làm nhưng hiện tại chưa phải lúc. Và hẹn 2 người có thể hẹn nhau một buổi nào khác để nói rõ vấn đề.

– Cần thời gian để suy nghĩ: Bạn hãy nói “tôi sẽ trả lời yêu cầu của bạn sau”. Có thể bạn đang đứng giữa hai sự lựa chọn và cần thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có đồng ý giúp đỡ hay không.

– Thành thật với chính mình, không ai thương bạn hơn bạn, hạnh phúc của bạn là do chính bạn quyết định. Đừng vì sợ mất đi hay tổn thương một mối quan hệ nào đó mà phải chấp nhận những điều mình không muốn hay chưa muốn. Bạn cũng cần được tôn trọng!

Tham khảo những kiểu từ chối trên để vận dụng vào trường hợp của mình thật tốt nhé!

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận